St. 2:7-9,3:1-7; Tv. 51:3-6,12-13,17; Rom. 5:12-19 or 5:12,17-19; Mt. 4:1-11.
BÀI ĐỌC 1:
Lời Chúa trong sách Sáng thế,
Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Ðức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Ðức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Ðức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Nó nói với người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không? Người đàn bà nói với con rắn: ‘Các trái cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn. Bấy giờ mắt hai người mở ra và họ thấy mình trần truồng: họ mới kết lá và làm khố che thân.
Ðó là lời Chúa.
ĐÁP CA:
Câu đáp: Lạy Chúa, xin dủ lòng xót thương, vì chúng con đắc tội với Ngài.
1. Lậy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.
2. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.
3. Lậy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.
4. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con; Lậy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.
BÀI ĐỌC 2:
Lời Chúa trong thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Ðấng sẽ tới. Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Ðức Giê-su Ki-tô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa đã làm qua một người duy nhất là Ðức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị. Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính.
Ðó là lời Chúa.
BÀI TIN MỪNG:
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Sau khi chịu phép rửa, Ðức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi !”. Nhưng Người đáp: “Ðã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Ðức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.” Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lậy tôi. Ðức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lậy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.” Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
Ðó là lời Chúa.
Chào Cha và Quý ACE,
ReplyDeleteHôm nay nghe Cha kêu gọi trong Thánh Lễ nên liều mình vào đây chia sẻ vài ý tưởng của bài Phúc Âm, mặc dù đã vào thăm trang này rất nhiều lần mà chưa thấy ai chia sẻ!(FX P.B.Thuận):
1.Tại sao Chúa Giêsu phải chịu cám dỗ?
Có lẽ cũng như một số ACE,câu hỏi này cứ đeo đẳng Thuận rất nhiều năm cho đến khi tìm được câu trả lời ngắn gọn do ĐGH B16 trong Jesus of Nazareth I (p 26): "Đó là cuộc 'hạ ngục' tiến vào hiểm họa hằng vây bọc loài người, vì chẳng còn cách nào khác hơn để vực dậy nhân loại sa đọa. Chúa Giêsu phải đi vào kịch cảnh hiện hữu của lòai người, bởi vì điều đó thuộc về cốt lõi sứ vụ của mình, Người phải xâm nhập cách trọn vẹn, xuống đến những bề sâu tận cùng, để tìm được những 'con chiên lạc', hầu cõng trên vai và mang về nhà"
"Kinh Tin Kính nói về Chúa Giêsu 'xuống ngục Tổ Tông (into hell)'. Sự xuống ngục này không chỉ xảy ra trong và sau cái chết của Người, nhưng luôn đi cùng với Người trong toàn bộ hành trình của Người. Người phải thâu tóm lại lịch sử từ thuở khởi đầu - từ Adam về sau, Người phải xuyên qua hết, chịu đựng tất thảy, toàn bộ của nó, để biến đổi nó."
Ba Cơn Cám dỗ
ReplyDeleteTrong thời của Chúa Giêsu, con số 40 là biểu tượng phong phú của Israel. Dân Israel lang thang 40 năm trong sa mạc, vừa chịu cám dỗ vừa được gần gủi với TC. Ông Môisen ở trên Núi Sinai 40 ngày trước khi nhận được Giao Ước. Ông Abraham mất 40 ngày và đêm trên đường đi lên Núi Horeb để sát tế con của mình. Các Gíáo Phụ (Fathers of the Church) bàn về con số 40 như là biểu trưng số của thế gian. Bốn "phương" bao trùm toàn thế giới, và Mười là con số của các Điều Răn. Bốn phương của vũ trụ nhân lên với Mười Điều răn trở thành một biểu trưng về toàn bộ lịch sử của thế giới.
1. "Nếu ông là Con TC, hãy truyền cho các hòn đá này thành bánh đi" (Mt 4:3). Nếu ông là Con TC, chúng ta sẽ nghe lại lời này từ miệng những người qua đường mỉa mai từ dưới chân Thánh Giá: "Nếu ông là Con TC, hãy xuống khỏi Thánh Giá đi" (Mt 27:40). Đức Kitô bị thách thức để trưng bày bằng cớ.
Và chúng ta cũng làm những đòi hỏi y như thế đối với TC và Đức Kitô và GH của Người suốt khắp toàn bộ lịch sử. "Nếu Chúa hiện hữu", chúng ta nói, "thì Chúa phải tỏ mình ra. Chúa phải vạch mây che mờ Ngài đi và cho chúng tôi sự tỏ tường mà chúng tôi đáng phải có".
"Hãy truyền cho hòn đá này thành bánh đi" (Lk 4: 3).
Có điều gì thê thảm hơn, có điều gì phản chứng về niềm tin có hiện hữu một TC nhân lành và một Đấng Cứu Chuộc hơn là một thế giới đói khát. Có phải việc đầu tiên mà Đấng Cứu Chuộc phải làm là đem bánh đến để dứt cảnh đói cho thế gian không nào?
Điều khá dễ hiểu là chủ nghiã Marxism đã dùng điều này làm lời hứa cứu độ của họ: "sỏi đá sẽ biến thành cơm" (sa mạc sẽ biến thành bánh).
ĐGH B16 nhắc lại hai dụ ngôn ở đây: bánh hóa ra nhiều và hạt giống chết đi mang lại nhiều hoa quả. Chúa Giêsu đã trở thành bánh không bao giờ vơi cạn cho chúng ta trong phépThánh Thể. Từ đó chúng ta có thể hiểu được khi Chúa Giêsu dùng Cựu Ước (Deut 8:3) để trả lời : "Con người không chỉ sống riêng bởi bánh, nhưng bằng lời do miệng TC phán ra". Chúng ta chỉ có thể tìm thấy được Chúa khi tâm lòng ta "xuất hành" ra khỏi "Đất Ai Cập", nghĩa là, ta bắt buộc phải chống trả những ảo tưởng từ những triết lý sai lầm. Vâng lời TC trước rồi sau đó ta mới có thể cung cấp bánh cho hết thảy.
Posted by Thuan Pham at 12:48 AM Email This BlogThis! Share to Twitter Share to Facebook Share to Google Buzz
Cơn Cám dỗ thứ hai
ReplyDeleteTiếp tục cô đọng tư tưởng của ĐTC B16: Trong ba Cám dỗ thì Cám dỗ thứ hai là khó hiểu nhất. Điều khởi sắc đầu tiên là ma quỷ đã dùng Thánh Kinh để gài Chúa Giêsu vào bẫy. Ma quỷ dùng Thánh Vịnh 91: 11f nói về sự chở che của TC. Ma quỷ ở đây tỏ ra là chuyên gia về Thánh Kinh.
Việc chú giải Thánh Kinh có thể trở thành công cụ cho Antichrist. Có những chú giải Thánh Kinh đã được dùng để hủy hoại hình ảnh của Chúa Giêsu và phá nát đức tin. Thực hành phổ biến ngày nay là dùng quan điểm trần thế để đo lường Thánh Kinh. Và như thế Thánh Kinh không còn nói về một TC hằng sống nữa mà chỉ có chính chúng ta nói và quyết định điều gì Chúa có thể làm và chúng ta sẽ làm gì và phải làm gì.
Vấn đề được mở ra trong câu trả lời của Chúa Giêsu, cũng lấy ra từ sách Đệ Nhị Luật:" Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là TC của ngươi." nhắc đến câu chuyện người Do Thái gần bị tiêu diệt vì chết khát trong sa mạc khi chống lại ông Môisen.
Chúng ta cũng đã có cảm nghiệm về điều này: Chúa phải được thí nghiệm, như mọi loại sản phẩm khác. Nếu Chúa không cho ta sự che chở như đã hứa thì ngài không phải là Chúa.
Tư duy như thế là biến người đó thành Chúa.
Từ bối cảnh này chúng ta có thể nhìn về Thánh Giá: Chúa Giêsu không gieo mình xuống từ đỉnh cao của Đền Thờ. Ngài không nhảy xuống lòng vực thẳm. Ngài không thử thách TC. Nhưng Ngài xuống ngục thẳm sự chết, đi vào đêm tối của sự ruồng bỏ và vào cô đơn mất tự vệ. Ngài tiến vào bước nhảy này như là một cử chỉ yêu thương của TC đối với loài người. Và Ngài biết rằng, chung cục, khi Ngài nhảy, Ngài chỉ có rơi vào bàn tay nhân ái của Chúa Cha.
Posted by Thuan Pham at 1:55 AM
Cơn Cám dỗ thứ ba và cuối cùng
ReplyDeleteQủy đưa Chúa Giêsu lên núi cao, cho Người thấy mọi vương quốc trên địa cầu và hào quang của chúng và đề nghị tặng Người vương vị của thế gian. Chẳng phải sứ vụ của Đấng Messiah là chính xác như thế sao? Chẳng phải Người sẽ là Vua của vũ trụ, người sẽ thâu tóm toàn thể trái đất vào thành một vương quốc hòa bình và an lạc sao?
Vương quốc của TC không phải là quyền lực chính trị.
Trong trình thuật Thương Khó của Chúa Giêsu, Philatô đưa ra cho dân chúng lựa chọn giữa Chúa Giêsu và Barabbas. Nhưng Barabbas là ai? Barabbas là một tên cướp (Jn 18:40). Nhưng từ "tên cướp" trong bối cảnh chính trị Palestine vào thời đại đó đồng nghĩa với "kháng chiến quân" (cf Mk 15:7). Barabbas có lẽ là thủ lãnh của cuộc nổi dậy.
Một cách khác, Barabbas là hình ảnh của một đấng cứu độ. Sự chọn lựa ở đây không phải là ngẫu nhiên; hai Đấng cứu độ, hai hình dạng cứu độ. Về ngữ nghĩa, Bar-Abbas có nghĩa là "con của cha" (Abbas=Cha). Barabbas ở đây là bản sao (alter ego) của Giêsu.
Thành ra sự lựa chọn giữa một Đấng Cứu Độ, người lãnh đạo chiến tranh vũ khí, người thề hứa sẽ đem tự do cho tất cả, (và một thế giới đại đồng), và một vương quốc riêng cho mọi người, và một Giêsu huyền bí, người công bố phải tự huỷ mình đi để có được sự sống đời đời. Có gì ngạc nhiên khi đám đông chọn Barabbas không?
Điều này liên quan đến sự trông chờ của chúng ta từ những hành động của Đấng Cứu Thế.
Giờ đây, thật thế điều này dẫn tới vấn nạn vĩ đại hằng đi theo chúng ta trong toàn bộ cuốn sách: Đức Giêsu thực sự đã mang lại điều gì: nếu không phải là hoà bình thế giới, sự phồn thịnh cho hoàn vũ và một thế giới tốt đẹp hơn? Người đã mang tới điều gì?
Câu trả lời rất đơn giản: Thiên Chúa.
Người đã mang lại Thiên Chúa đã dần dà tỏ lộ trước hết với Abraham rồi đến Môisen và các Tiên tri và rồi trong Văn tự Khôn ngoan. Đây là Thiên Chúa, Chúa của Abraham, Isaac, và Jacob, Thiên Chúa thật, mà Ngài đã mang đến cho mọi quốc gia trên địa cầu.